Vì sao bệnh dịch hạch lại là đại hoạ của nhân loại?

Ngày 24 tháng 3 năm 1345, người ta phát hiện thấy trên bầu trời một hiện tượng kỳ lạ: Thổ tinh, Mộc tinh, Hoả tinh gặp nhau, chập làm một. Ở châu Âu trong đêm dài trung cổ đầy mê tín, hiện tượng thiên văn lạ này khiến cho mọi người kinh sợ. Các nhà chiêm tinh hốt hoảng nói rằng: “Đây là một triệu chứng xấu nhân loại sẽ bị quỷ thần trừng phạt”. Thật không may, các nhà chiêm tinh lại nói đúng, một nạn lớn đã đến, nhân loại gặp phải một đại hoạ chưa từng có trong lịch sử.

Ngay từ năm 1333, ở châu Á cách xa châu Âu đã sinh ra một thứ bệnh do chuột lây truyền, thứ bệnh đáng sợ này theo con đường thương mại truyền đến Ấn Độ và một số nước khác, đồng thời nó cũng hoành hành ở vùng Mê-do-pô-ta-mia (Lưỡng Hà) và Ai Cập. Đến năm 1347, nó xâm nhập vào châu Âu một cách mạnh mẽ không có biện pháp nào ngăn chặn được đến tận đảo Xi-xin, Italy, và miền Nam nước Pháp, Hà Lan, Đức, Ba Lan rồi đổ bộ sang Anh.

Các nước không biết đối phó với bệnh này ra sao, các thầy thuốc đều bó tay, không phương cứu chữa.

Bệnh dịch hạch hoành hành ở đại lục châu Âu khiến cho nước Anh rất kinh sợ. Họ may mắn được hòn đảo Ang-lê là phòng tuyến bảo vệ. Chắc tử thần không đến được đây. Nào ngờ khoa học chưa phát triển, chưa tìm ra một biện pháp phòng ngừa dịch bênh, cho nên cuối cùng dịch hạch vẫn đổ bộ sang Anh.

Người nhiễm bệnh dịch hạch, toàn thân cảm thấy đau đớn, tiếp đến là bị sốt cao, trên tay và mặt xuất hiện những chấm đen. Người châu Âu khi phát hiện thấy nhà ai có người mắc bệnh này, cả nhà sẽ bị đuổi đi, nhà bị đốt sạch. Nhưng dịch bệnh vẫn lan rộng, nhà này đốt lại đến nhà kia đốt.

Bệnh dịch hạch tấn công Luân Đôn đã làm chết hơn mười vạn người. Sự lan truyền bệnh dịch hạch này đã tấn công mạnh mẽ các thành phố Tây Âu, những thành phố phồn vinh bỗng chốc trở nên suy tàn, hoang vắng.

Những thấy thuốc của các nước đã phải đấu tranh với căn bệnh này. Họ đã cách ly người bệnh, dùng tất cả các loại thuốc chữa trị các triệu chứng bệnh. Nhiều bác sĩ đã phải hy sinh tính mạng

Bệnh dịch hạch đã giết hại nhiều người, nhưng qua cuộc chiến đấu này, người ta đã biết nhiều phương pháp phòng chống hữu hiệu. Chính phủ các nước đưa ra các pháp lệnh ngăn chặn dịch hạch lan truyền. Thành Vơ-ni-dơ của Italy ban bố lệnh cấm mọi nhà buôn đã nhiễm bệnh hoặc nghi là nhiễm bệnh đều không được vào thành. Có những nơi quy định thuỷ thủ phải sống ở nơi thoáng khí và đầy ánh nắng 30 ngày, rồi mới được vào thành phố của họ. Có nơi đặt trạm kiểm dịch như ngoài cảng như Mac-xây chẳng hạn. Để quản lý nguồn nước, người ta đặt ra một chức quan chuyên trông coi kiểm soát nguồn nước. Người ta trao trọng trách cho nhưng người làm công tác y tế.

Nhờ cố gắng đó, bệnh dịch hạch đã được ngăn chặn lại. Những năm 1353, 1362, 1364 tuy vẫn có dịch ở châu Âu, nhưng tác hại không lớn lắm.

Dịch hạch ở châu Âu vào thế kỷ XIV, đã khiến chi nhiều thành phố trở nên hoang vắng, ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm chết hàng triệu người. Nhưng sau cuộc chiến đấu với tử thần dịch hạch đã khiến cho ngành y tế tiến bộ và phát triển mạnh mẽ.