Sao chổi là gì?

Trên bầu trời đêm đen thẫm đột nhiên vút ngang một vị khách lạ hiếm hoi, chói sáng và có hình dạng kỳ dị: đầu nhọn, đuôi to trông giống như một chiếc chổi quét nhà bình thường. Người ta quen gọi đó là sao chổi.

Thật ra mà nói, các sao chổi không thể gọi là những vì sao vì thực tế nó chỉ là một khối lớn khí lạnh trong đó chứa đầy các mảnh vụn và bụi vũ trụ.

Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong sao chổi còn có các nguyên tử oxy, natri; các nhóm phân tử cacbonic, xyanogen (CN)2, amoniac (NH3), các hợp chất nitril, xyanua, v.v…; các ion (………..) … Nhưng chúng ta không thể không coi sao chổi cũng là một loại thiên thể.

Khách “quen” hay chỉ là “qua đường”

Phần lớn các sao chổi đều quay quanh Mặt trời theo các quỹ đạo hình elip dẹt, người ta gọi chúng là loại sao chổi chu kỳ. Cứ cách một thời gian nhất định chúng lại vận hành tới quỹ đạo tương đối gần Mặt trời và Trái đất nên chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy chúng.

Chu kỳ quay quanh Mặt trời của các sao chổi khác nhau là rất khác nhau. Sao chổi Encke có chu kỳ ngắn nhất là 3,3 năm, tức là cứ cách 3,3 năm ta lại nhìn thấy nó một lần. Từ năm 1786, phát hiện ra sao chổi Encke đến nay, nó đã xuất hiện 50 lần. Có những sao chổi có chu kỳ quay dài hơn. Mấy chục năm, thậm chí mấy trăm năm mới nhìn thấy chúng một lần. Có những sao chổi có chu kỳ quay dài tới mấy vạn năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Những sao chổi đó giống như “khách qua đường” xuất hiện một lần rồi không biết đến chân trời góc biển nào nữa. Sao chổi sáng rực Hyakutabe, được nhìn thấy từ Trái đất năm 1996, có chu kỳ ước khoảng 10.000 năm.

Tên “chổi” từ đây

Những sao chổi điển hình đều chia làm 3 phần: lõi chổi, sợi chổi và đuôi chổi. Lõi chổi cấu tạo bằng những hạt thể rắn khá đậm đặc, ánh sáng toả ra xung quanh như những dải mây gọi là sợi chổi. Lõi chổi kết hợp với sợi chổi thành đầu chổi. Chiếc đuôi dài sáng rực phía sau gọi là đuôi chổi, có khi mở rộng hàng triệu km trong vũ trụ. Đuôi chổi không phải có ngay từ khi mới hình thành sao chổi mà chỉ khi sao chổi bay tới gần Mặt trời và các phân tử của nó bị những cơn gió Mặt trời thổi bạt ra xa, bởi thế đuôi sao chổi thường kéo dài về phía đối diện với Mặt trời.

Một sao chổi xung quanh đầu còn có lớp mây hydro đường kính tới gần 10 triệu km. Ở Trái đất, chúng ta không nhìn thấy khối mây đó, mà phải dùng vệ tinh nhân tạo bay ra khỏi tầng khí quyển Trái đất mới quan sát được.

Muôn hình muôn vẻ

Không phải các sao chổi đều có hình dạng giống nhau. Năm 1744, người ta phát hiện ra sao chổi De Cheseaux có tới 6 đuôi tạo thành một góc rộng 44 độ như chiếc quạt giấy lớn trên bầu trời. Năm 1812, Đài Thiên văn Marseille ở Pháp phát hiện ra một sao chổi lạ, thoạt đầu là một khối mây lớn, sau đó toả sáng nhấp nháy và cuối cùng lại biến thành một khối mây ở giữa có một khối tròn sáng mờ toả ra bốn phía. Đầu tháng 3 năm 1976 ở vùng Đông Bắc Trung Quốc xuất hiện một sao chổi lạ có đuôi xoè rộng như đuôi chim công trắng, dân chúng từ đảo Hải Nam tới tỉnh Hắc Long Giang đều nhìn thấy.

“To xác nhưng rỗng ruột”

Không một hành tinh nào trong hệ Mặt trời có thể so sánh được với sao chổi về mặt thể tích. Ví như sao chổi Halley nổi tiếng có đường kính vùgn sợi chổi dài tới 570.000 km. Sao chổi lớn nhất mà loài người ghi nhận được có đường kính vùng sợi chổi dài tới 18,5 triệu km và đuôi sao chổi đó dài tới mất trăm triệu km.

Nhưng thực ra sao chổi chỉ là những khối khí loãng. Nếu ép thể khí của sao chổi bằng mật độ khí quyển trên Trái đất thì 8.000 mét khối thể khí trên đó vẫn chưa thể bằng mật độ 1 mét khối khí quyển trên Trái đất. Nếu tiếp tục ép thể khí trên sao chổi thành chất rắn như vỏ Trái đất thì một sao chổi khổng lồ e rằng không lớn hơn một quả đồi trên hành tinh của chúng ta.

Trong vũ trụ bao la có rất nhiều sao chổi nhưng tuyệt đại đa số đều có kích thước nhỏ. Chỉ có vài ba sao chổi lớn. Thời gian tồn tại của sao chổi trong vũ trụ không lâu bền như các sao khác. Mỗi lần bay tới Mặt trời, sao chổi lại bị tổn hao khá nhiều, cứ vậy dần dần sao chổi sẽ tan vỡ thành từng đám sao băng và bụi vũ trụ phân tán trong khoảng không mênh mông.

Vì sao ảnh của sao Chổi lại có vệt dài?

Đó là kết quả ghi vết của sao chổi di động trên phim của kính viễn vọng. Sao chổi khác với các vì sao là có vận tốc chuyển động thay đổi trên bầu trời. Các vì sao và các tinh vân, chúng chuyển động trên bầu trời là do chuyển động tự quay của Trái đất mà có. Nếu dùng kính viễn vọng chụp ảnh thì ta sẽ thu được các hình ảnh rõ cho dù các ngôi sao có ánh sáng yếu. Vì sao chổi chuyển động với vận tốc lớn trong không trung, nên khi chụp ảnh trên nền các sao khác bức ảnh thu được của sao chổi bị dẹt.

Có loại sao chổi có chu kỳ. Đó là sao chổi không chỉ có xuất hiện một lần, mà có thể là nhiều lần đến gần Trái đất, sao chổi Halley là một trong số đó. Mỗi lần sao chổi Halley đến gần, người ta lại đo đạc được quỹ đạo của nó ngày càng được chính xác hơn. Mỗi lần nó xuất hiện, do lực hấp dẫn của Mộc tinh, hình dạng quỹ đạo của sao chổi có thể thay đổi. Nếu như quỹ đạo của sao chổi mà không có sự thay đổi nhỏ nào thì khi đến gần, ta chỉ cần hướng kính viễn vọng về hướng đã tính toán là chúng ta có thể ghi được hình ảnh lúc đó đến gần. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như vậy. Vì ánh sáng của sao chổi rất yếu, nên cần phải kiên trì tiến hành trong thời gian dài và kính phải có độ nhậy cao. Các chuyên gia sẽ sử dụng các phương pháp để tính toán chính xác đến ngày tháng nào, cần phải quan sát theo hướng nào để quay kính ghi ảnh về hướng đó, có thể mới có thể thu được bức ảnh vừa ý về sao chổi.