Rụng tóc là gì?
Rụng tóc là tình trạng xảy ra khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc hàng ngày. Nhiều trường hợp rụng tóc nhiều là do tóc không tiếp tục phát triển, dẫn đến hói đầu, thường xảy ra ở nam.
Đây cũng là một phản ứng bình thường của cơ thể trước những tác động từ môi trường, ví dụ như phẫu thuật, bị sốt hoặc mang thai… cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu các chất hay mất cân bằng hoá học trong cơ thể.
9 nguyên nhân gây rụng tóc?
1. Do nguồn nước không sạch
Nguồn nước là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Nếu nước bị ô nhiễm, bị nhiễm phèn thì dù bạn có đổi đủ loại dầu gội đầu tóc vẫn sẽ rụng.
Cách xử lý tốt nhất trong trường hợp này là lắp thêm các thiết bị xử lý nguồn nước giúp nước sinh hoạt không bị ô nhiễm.
2. Do chế độ ăn uống mất cân bằng
Chế độ ăn uống là nền tảng của sức khỏe. Vậy nên nếu bạn ăn uống mất cân bằng, thiếu dưỡng chất và gặp phải hiện tượng rụng tóc thì cũng không có gì là khó hiểu.
Bạn cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nếu đang ăn kiêng cũng cần có một chế độ ăn kiêng sao cho hợp lý và khoa học, hãy bổ sung một cách hợp lý các loại thức ăn quan trọng, các loại vitamin và khoáng chất để tóc được phát triển khỏe mạnh. Ăn kiêng quá đà có thể khiến tóc rụng nhiều.
3. Do căng thẳng, stress
Nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, stress thì bạn rất dễ gặp phải hiện tượng rụng tóc. Bởi khi thần kinh căng thẳng, các tế bào không được phục hồi, tóc rất dễ bị thoái hóa và rụng sớm.
Trong trường hợp này, bạn nên cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng cách tập luyện thể dục thể thao, ngồi thiền hay tập yoga – đây đều là các phương pháp giúp thư giãn tinh thần và giúp tinh thần ổn định hơn.
4. Lạm dụng hóa mỹ phẩm
các loại thuốc uốn, duỗi, nhuộm hoặc sấy hơi nóng thường xuyên làm tóc khô, giòn, xơ và dễ gãy, rụng. Cách tốt nhất chăm sóc tóc với mỹ phẩm có chọn lọc, không lạm dụng các tác động làm đẹp tóc từ bên ngoài theo bất cứ lời khuyên nào.
5. Do thiếu kiên nhẫn
Bạn gội đầu và chăm sóc tóc với đủ loại dầu gội, dầu xả, tinh dầu. Thế nhưng bạn lại thiếu kiên nhẫn trong việc làm sạch, và bạn có biết rằng, thói quen này có thể làm cho tóc bạn rụng nhiều? Bởi chỉ cần một chút hóa chất còn sót lại trên đầu thôi cũng có thể làm mái tóc của bạn “khóc thét”.
Trường hợp này khắc phục rất dễ dàng bằng việc bạn phải thay đổi thói quen của mình.
6. Do buộc tóc quá chặt
Có thể bạn sẽ bất ngờ nếu biết rằng chiếc dây nơ hoặc chiếc dây buộc tóc mà bạn đang dùng lại khiến bạn rụng tóc. Nếu bạn buộc tóc quá chặt trong thời gian dài sẽ khiến sợi tóc bị kéo căng ra, các nang tóc bị “căng thẳng” liên tục. Dần dần, các nang tóc sẽ suy yếu, tóc móc ra dần dần nhỏ hơn và mịn hơn cho đến khi biến mất hoàn toàn. Quá trình này có thể đi kèm với viêm và tấy đỏ da đầu.
Để chữa rụng tóc trong trường hợp này bạn cần thay đổi thói quen buộc tóc của mình. Không dùng quá nhiều lực khi chải tóc, tránh buộc tóc quá chặt và sau vài ngày tạo kiểu hãy để xõa tóc để bớt tạo áp lực lên da đầu.
7. Do sau sinh
Vài tuần sau khi sinh các bà mẹ đều bị rụng tóc và điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu không quan tâm chăm sóc tóc, tóc rụng có thể kéo dài hơn và lượng tóc mất đi có thể kéo dài tới 20 – 30%, Tóc rụng nhiều nhất là ở đỉnh đầu và toàn bộ mái tóc sẽ trở nên yếu hơn và nhờn trong thời gian sau sinh.
8. Do di truyền
Tình trạng rụng tóc do di truyền thường gặp ở nam giới hơn là nữ. Nếu trong gia đình (bên nội hoặc bên ngoại) có người bị rụng tóc, hói đầu thì con cái có nguy cơ bị rụng tóc rất cao. Khi đó, độ nhạy cảm của các thụ thể dihydrotestosterone tại tế bào mầm tóc tăng cao, khiến nang tóc yếu và teo dần, tóc dễ rụng./.
9. Rụng tóc do nấm
Đây là trường hợp khá phổ biến, thường xảy ra ở lứa tuổi thiếu niên, bệnh có thể lây từ người này qua người khác, do chủng microsporum, trichophyton gây nên. Khi bị nấm, da đầu xuất hiện những mảng đỏ, vảy trắng, tóc bị gãy sát gốc hoặc chừa lại một đoạn ngắn trên da đầu, ngứa ngáy khó chịu.
Ngoài ra, những bệnh nhân giang mai thời kì thứ 2 cũng bị rụng tóc, do sự tổn thương và đào thải ngoài da gây nên, rụng tóc theo kiểu rừng thưa. Tuy nhiên, tóc sẽ dần mọc lại khi điều trị bệnh giang mai.
3 Cách điều trị rụng tóc?
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng rụng tóc ở cả nam và nữ. Bạn hoàn toàn có thể đảo ngược chứng rụng tóc hoặc ít nhất là làm chậm tiến trình này. Với một số bệnh lý, chẳng hạn như rụng tóc từng vùng, tóc có thể mọc lại mà không cần điều trị gì trong vòng một năm.
Phương pháp điều trị rụng tóc bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật để kích thích mọc tóc và làm chậm rụng tóc.
1. Sử dụng thuốc
Nếu rụng tóc do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó gây ra, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh lý đó là điều cần thiết. Quá trình điều trị có thể bao gồm các loại thuốc để giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân. Nếu một loại thuốc nào đó có khả năng gây rụng tóc, bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng sử dụng thuốc trong ít nhất ba tháng.
2. Phẫu thuật cấy tóc
Trong trường hợp bệnh nhân bị rụng tóc vĩnh viễn và thường chỉ có đỉnh đầu bị ảnh hưởng, kỹ thuật cấy tóc hoặc phẫu thuật phục hồi có thể tận dụng tối đa phần tóc còn lại của bệnh nhân.
Trong quá trình cấy tóc, bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ (mỗi mảng chứa từ một đến vài sợi tóc) ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu. Một số bác sĩ khuyên dùng Minoxidil sau khi cấy ghép để giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc. Đôi khi người bệnh phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Mặc dù đã được cấy tóc, hiện tượng rụng tóc do di truyền vẫn sẽ xảy ra. Các kỹ thuật để điều trị hói đầu thường khá tốn kém và gây đau đớn. Rủi ro xảy ra bao gồm chảy máu và để lại sẹo.
3. Liệu pháp laser
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt liệu pháp sử dụng laser để chữa rụng tóc do di truyền ở nam và nữ. Một vài nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng, phương pháp này giúp cải thiện mật độ tóc. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng về lâu dài.
Khi nhận thấy tóc rụng nhiều thì cần đi thăm khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân, khi đó mới có thể tìm cách cải thiện hoặc chữa trị phù hợp. Khi chưa xác định được nguyên nhân gây rụng tóc, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trị nấm, thuốc bôi ngoài da hoặc các thuốc chữa rụng tóc không rõ nguồn gốc.