Bạn đã khi nào trải qua cảm giác khi đang ngủ mà có ai đó đang đè chặt lên ngực khiến bạn không thể thở được nhưng không thể nào chống cự lại? Đó chính là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể bạn đã bị bóng đè.

Theo quan niệm dân gian, hiện tượng bóng đè thường gắn với niềm tin về những thế lực ma quỷ xung quanh. Nhiều người cho rằng chỉ những người “yếu bóng vía” mới ngủ bị bóng đè. Thật ra, hiện tượng này phổ biến hơn bạn nghĩ đấy. Thậm chí, khoa học hoàn toàn có thể lý giải cho hiện tượng bóng đè này.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau quan sát hiện tượng bóng đè dưới nhiều lăng kính để nhìn thấu bản chất và tìm cách giải quyết nó một cách hiệu quả.

Bóng đè là gì?

Hiện tượng bóng đè, hay là chứng liệt do ngủ (sleep paralysis) xảy ra ngay trước khi ngủ hay ngay khi thức giấc, người bệnh cảm thấy bị liệt toàn thân, tỉnh táo mà không thể cử động được chân tay, giống như mình bị ai đó đè vậy. Có thể nghe hoặc nhìn thấy ảo giác ghê sợ. Đây không được xem là bệnh lý cần điều trị, chỉ cần giảm bớt stress và ngủ đủ giấc.

Bóng đè không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây lo lắng. Bên cạnh đó, hiện tượng này có thể xảy ra cùng với các rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như chứng ngủ rũ (narcolepsy). Bóng đè có thể bắt đầu trong thời niên thiếu và có thể trở nên thường xuyên trong những năm 20 và 30 tuổi.

Biểu hiện của việc bóng đè là gì?

  • Hiện tượng bóng đè có thể xuất hiện chỉ 1 lần hoặc thường xuyên, thậm chí nhiều lần trong 1 đêm.
  • Bóng đè thường xuất hiện khi bạn sắp thức giấc hoặc xuất hiện ngay khi bạn vừa mới ngủ.
  • Không có khả năng di chuyển cơ thể khi ngủ hoặc khi thức dậy, kéo dài trong vài giây hoặc vài phút
  • Tỉnh táo nhưng không thể nói trong khi bị bóng đè
  • Có ảo giác và cảm giác sợ hãi
  • Cảm thấy áp lực lên ngực
  • Khó thở
  • Cảm giác như cái chết đang đến gần
  • Đổ mồ hôi, đau đầu, đau cơ và hoang tưởng
  • Sau khi trải qua một lần bị bóng đè, bạn có thể cảm thấy rất buồn và lo lắng.

Nguyên nhân bị bóng đè là gì?

Trong khi ngủ, cơ thể thư giãn và các cơ bắp không di chuyển, điều này ngăn người ngủ tự làm mình bị thương khi họ có những hành động bất thường trong khi ngủ có giấc mơ. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy bóng đè thường xảy ra khi hormon trong cơ thể được tiết ra để ngăn cản giấc mơ tiếp tục. Tuy nhiên, lúc đó,  ý thức của con người đã hoàn toàn tỉnh táo, nhưng lại có cảm giác tê liệt và bị bóng đè. Muốn hiểu về nguyên nhân gây bóng đè, chúng ta cần biết: điều gì đã xảy ra trong khi ta đang ngủ.

Nghiên cứu cho biết: giấc ngủ diễn ra theo chu kỳ, mỗi chu kỳ được chia làm 2 pha: pha ngủ nhanh (hay pha cử động mắt nhanh) và pha ngủ chậm. Bóng đè khi ngủ liên quan đến sự gián đoạn hoặc phân mảnh giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (giấc ngủ REM). Cơ thể xen kẽ giữa pha cử động mắt nhanh và pha ngủ chậm (non-rapid eye movement – NREM).

Một chu kỳ REM-NREM kéo dài khoảng 90 phút và phần lớn thời gian dành cho việc ngủ là ở NREM. Trong thời gian NREM, cơ thể thư giãn. Trong thời gian REM, mắt di chuyển nhanh, nhưng cơ thể được thư giãn. Giấc mơ xảy ra vào thời điểm này. Hiện tượng bóng đè xảy ra khi sự bất động cơ thể trong pha ngủ nhanh vẫn tiếp tục duy trì, trong khi não bộ đã “thức giấc” rồi. Các khu vực của bộ não phát hiện các mối đe dọa đang ở trạng thái cao và quá nhạy cảm.

Các yếu tố có liên quan đến hiện tượng bóng đè bao gồm:

  • Chứng ngủ rũ
  • Kiểu ngủ không đều, ví dụ, do hiện tượng jet lag đặc biệt hay xảy ra đối với các chuyến bay xuyên qua nhiều vĩ tuyến hoặc làm việc theo ca
  • Nằm sấp khi ngủ
  • Tiền sử gia đình bị bóng đè khi ngủ
  • Bóng đè khi ngủ có thể là triệu chứng của các vấn đề y tế như trầm cảm, đau nửa đầu, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, tăng huyết áp và rối loạn lo âu.
  • Lứa tuổi thanh thiếu niên và người trẻ
  • Người bị thiếu ngủ
  • Người ngủ không theo một thời gian biểu hợp lý, ngủ không theo một giờ giấc nhất định, những người làm việc theo ca thường dễ bị bóng đè
  • Người bị mắc chứng ngủ rũ do loại rối loạn giấc ngủ khiến cho người bệnh thường ngủ gật vào những thời điểm không phù hợp ban ngày.

Cách khắc phục khi bị bóng đè

Đa số trường hợp bị bóng đè sẽ tự khỏi và không cần phải tìm cách điều trị. Tuy nhiên, việc tác động vào các nguyên nhân gây bóng đè sẽ giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng hơn rất nhiều.

  • Điều chỉnh lại giấc ngủ hợp lý: Một giấc ngủ đủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm và giờ giấc ngủ không quá thường xuyên thay đổi sẽ giúp bạn ổn định lại giấc ngủ và cải thiện sức khỏe.
  • Giảm căng thẳng trong cuộc sống: Bạn nên điều chỉnh lại lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để lấy lại sự cân bằng cho bản thân. Hãy tìm các giải pháp thư giãn tại chỗ như đọc sách, nghe nhạc hay tạo cho mình một khoảng thời gian thư giãn bằng một chuyến đi nghỉ mát.
  • Điều trị các rối loạn giấc ngủ: Để chấm dứt cảm giác sợ hãi khi bị bóng đè, bạn nên điều trị từ gốc, nghĩa là chữa dứt điểm các rối loạn giấc ngủ mà mình có thể đang gặp phải.