Người Trung Quốc có câu “Mùa xuân ngủ không buồn dậy”. Mùa xuân vạn vật tươi tỉnh trở lại, đầy sức sống, vậy vì sao con người cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ?

Nguyên là máu tuần hoàn trong cơ thể theo quy luật nhất định.

Lượng máu cung cấp cho mỗi cơ quan cũng có một sự ổn định tương đối. Ví dụ, ở một người nặng 60 kg, khi yên tĩnh, lượng máu cung cấp cho não mỗi phút là 750 ml/phút, cho da 450 ml. Việc chúng ta có cảm thấy mệt mỏi hay không liên quan đến việc não có được cung cấp máu đầy đủ hay không. Nếu lượng máu cung cấp cho não không đạt được một mức nhất định, người ta dễ cảm thấy lơ mơ, buồn ngủ.

Mùa đông kéo dài, gió lạnh nhiều, công năng phòng ngự của cơ thể sẽ khiến cho những mạch máu nhỏ li ti dưới da co lại, giúp tiết kiệm được một lượng máu kha khá để cung cấp cho các cơ quan khác. Lượng máu cung cấp cho não do đó mà tăng lên, giúp ta tỉnh táo ngay cả khi trời lạnh. Đến mùa xuân, khi trời bắt đầu ấm áp, các mạch máu nhỏ dưới da sẽ giãn ra, lượng máu đi vào các mạch máu ở da tăng lên, khiến não và các cơ quan khác được cung cấp máu ít hơn, cơ thể dễ bị mệt mỏi. Sự biến đổi này rất rõ rệt ở thời điểm đông chuyển sang xuân. Qua một thời gian, khi cơ thể thích ứng được với sự biến đổi thì hiện tượng mệt mỏi sẽ mất đi.

Như vậy, hiện tượng mệt mỏi vào mùa xuân không phải do bệnh tật, cũng không phải do thiếu ngủ. Khi hiện tượng này xảy ra, chỉ cần cởi áo ngoài một lát hoặc dùng nước lạnh rửa mặt, ra ngoài trời hoạt động thì sẽ hết mệt mỏi ngay. Việc tăng cường rèn luyện thể lực sẽ làm tăng khả năng co bóp của tim, cải thiện tuần hoàn não, khiến não thích ứng nhanh với sự biến đổi tuần hoàn máu khi thời tiết thay đổi. Nhờ đó, hiện tượng mệt mỏi mùa xuân sẽ giảm nhẹ hoặc mất đi.