Vận động viên cử tạ xuất sắc có thể nâng được một trọng lượng lớn gấp đôi trọng lượng cơ thể; vận động viên đẩy tạ có thể đẩy quả tạ rất nặng xa mấy chục mét; vận động viên nhảy cao có thể nhảy qua xà cao trên 2m. Họ có thể đạt những thành tích xuất sắc đó là do nắm vững kỹ thuật chuyên môn và có cơ bắp rất phát triển, giúp sản sinh ra lực lớn vượt xa người bình thường.
Cơ thể người có hơn 600 cơ bắp, gồm hơn 300 triệu sợi dây tơ.
Chúng phân bố khắp nơi trên cơ thể, mỗi cơ có tác dụng riêng. Nếu các sợi cơ này đồng thời co cùng một hướng thì sẽ xuất hiện một lực khoảng 25 tấn, có thể so sánh với một cần cẩu. Đương nhiên, cơ bắp phân bố trên toàn cơ thể, vì vậy ta không thể thực hiện điều đó.
Các nhà khoa học khi nghiên cứu về công năng vận động của cơ bắp đã phát hiện thấy: khi cơ bắp co lại, các sợi cơ từ dài biến thành ngắn, từ mảnh biến thành thô; quá trình đó sẽ phát sinh ra một lực lớn, trong vật lý gọi là sản sinh công. Đồng thời với việc sinh ra lực, cơ bắp cũng tiêu hao một năng lượng lớn trong cơ thể.
Đương nhiên, công do một sợi cơ co lại sinh ra là không đáng kể, nhưng vô số sợi cơ liên kết với nhau khi co lại sẽ sinh ra một công rất lớn. Theo kết quả đo đạc, số cơ bắp của con cóc có tiết diện mặt cắt 1 cm2 khi co lại hết sức sẽ đẩy được một vật nặng 3 kg; cũng lượng cơ như vậy của con người khi co lại tối thiểu sẽ đẩy được một vật nặng 3,65 – 4 kg, thậm chí 8 kg.
Ngoài ra, lực co của cơ bắp còn được quyết định bởi độ dài của sợi cơ. Sợi cơ càng dài, biên độ co duỗi càng lớn thì lực càng mạnh. Ngược lại, sợi cơ càng ngắn, biên độ co duỗi nhỏ thì lực cũng nhỏ. Từ đó có thể thấy nếu cơ bắp to khỏe, diện tích mặt cắt ngang lớn, sợi cơ dài thì lực co duỗi sẽ lớn; ngược lại lực sẽ nhỏ.
Cơ bắp của vận động viên có lực rất lớn nguyên nhân chủ yếu là do cơ bắp của họ thường được rèn luyện.
Khi cơ thể ở trạng thái yên tĩnh, đa số những mạch máu nhỏ trong cơ bắp (mỗi mm2 có đến hàng nghìn mạch) đều đóng lại. Khi vận động, vì sức hoạt động của cơ bắp tăng lên, cần tiêu hao nhiều năng lượng nên các mao mạch trong cơ bắp đều mở ra (nhiều gấp 20 – 50 lần so với khi yên tĩnh) khiến cho tốc độ tuần hoàn máu trong toàn thân tăng nhanh, lượng máu thông qua các tổ chức cơ bắp tăng lên. Quá trình hấp thu và đào thải của cơ bắp tăng, giúp nó nhận được nhiều chất dinh dưỡng. Ở những vận động viên thường xuyên rèn luyện, hàm lượng anbumin trong cơ tăng lên, khiến các sợi cơ to hơn, tổ chức kết đế trong cơ tăng. Ngoài ra, số mao mạch trong cơ cũng tăng, kết quả là thể tích toàn cơ bắp tăng lên, trọng lượng gia tăng.
Số lượng sợi cơ của mọi người gần như nhau, nhưng vận động viên nhờ rèn luyện nên thể tích cơ bắp tăng lên, nghĩa là từng sợi cơ của họ trở nên thô hơn, có thể sản sinh ra một lực mạnh hơn.