Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mỗi lần khi ăn thức ăn chứa nhiều muối và nhanh chóng sau đó là cảm giác khát nước vô cùng không?
Đây là một hiện tượng khá phổ biến mà chúng ta hay gặp, nhưng liệu có ai biết rõ nguyên nhân tại sao không?
Tại sao khi ăn mặn lại khát nước?
Sau khi dung nạp một lượng lớn muối, lượng muối này sẽ di chuyển qua thành ruột non khiến lượng muối trong máu tăng lên. Áp suất thẩm thấu tăng cao do chất lỏng xung quanh tế bào giàu Natri hơn. Tế bào dần mất nước do áp suất này kéo nước tứ bên trong tế bào ra bên ngoài tế bào khiến cho cơ thể cảm thấy mất cân bằng.
Khi đó, não nhận được tính hiệu từ cơ thể tạo ra cảnh báo nồng độ muối tăng cao quá mức.
Vùng dưới đồi (hypothalamus) là trung tâm cảm nhận cơn khát có chức năng điều hòa giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và nhiệt độ cơ thể. Sau khi tiếp nhận thông tin, vùng dưới đồi sẽ gửi đi tính hiệu khát nước, tạo cảm giác khát nước để chúng ta bổ sung lượng nước cần thiết mà cơ thể đang bị thiếu hụt.
Ăn nhiều muối khiến các tế bào bị mất nước. Do đó cơ thể sẽ gửi tín hiệu lên não đòi hỏi phải bổ sung thêm một lượng nước cần thiết.
Lưu ý: Tuổi tác và bệnh tật có thể làm ức chế khả năng cảm nhận cơn khát. Đây là một tình trạng nguy hiểm vì con người luôn cần đủ nước để các bộ phận, cơ quan bên trong cơ thể hoạt động bình thường.